Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Lảm nhảm về Idol và nghệ sĩ


 Kinh nghiệm thì ít ỏi nên không dám trèo cao, chỉ dám ghi là lảm nhảm bộc lộ quan điểm cá nhân thôi.
Nguyên nhân mà viết cái bài này phần do vụ của Miichan, phần do đọc bài của người ta mà cảm giác giọt nước tràn ly, muốn viết đôi dòng cho nhẹ đầu.

Idol trước giờ chỉ thích có mình AKB48, cũng không có ý định thích nhiều hơn. Thậm chí thành viên của cái “đại gia đình đông con” ấy còn chả ưa được hết. Nhưng nghệ sĩ nữ cũng có thích vài người, cũng tạm coi là có biết qua. Viết không hẳn là để so sánh, bởi Idol và nghệ sĩ, bản thân vốn đã không xếp 2 từ này vào chung một chỗ.

Lý do trực tiếp viết bài là vì đọc được câu “Nên làm 1 nghệ sĩ hơn là 1 thần tượng, vì nghệ sĩ họ có thể làm những gì họ thích, họ công hiến cho nghệ thuật chứ không phải cho fan.” Đọc câu này xong, vì cái thói ham hố mà muốn viết một vài dòng.

Đầu tiên phải nói rằng, con người ta không thể chọn được việc có thể “làm nghệ sĩ”. Cái chữ “nghệ” kia có phải ai cũng có, và lên hàng “nghệ sĩ” thì lại càng khó. Bản thân vốn chỉ thích mấy người chẳng có mấy danh tiếng nên chỉ dám lấy họ ra làm ví dụ vậy. Kokia là nghệ sĩ, cô tự sáng tác nhạc, chơi được Piano, giọng thường và cả giọng pha chất Opera không phải chê, vậy được mấy người như cô? Hay như Kajiura Yuki, nghệ sĩ nữ mà mình yêu thích nhất, cô sáng tác không biết bao nhiêu bản OST cho game, anime. Vậy có mấy người sáng tác được như thế? Và nếu nhìn mặt bằng chung nghệ sĩ, không phải họ đều có đặc trưng riêng của bản thân từ phong cách đến dòng nhạc mà họ theo đuổi sao?

Nhưng Idol nó không giống nghệ sĩ. Ở Nhật nếu đếm ra một năm có lẽ phải kiếm được không ít cuộc thi tuyển để vào các nhóm Idol lớn nhỏ. Có chỗ chọn lọc sát sao, có chỗ chọn lọc thoáng, nhưng sau cùng những người đỗ luôn đạt được những yêu cầu về khả năng hát và nhảy… Nhưng có lẽ trong số đó không mấy người có phong cách đủ nổi trội và khác người về thời trang hay giọng hát để có thể tự bước riêng ra ngoài làm nghệ sĩ.

Theo mình biết, Idol là những người bán hình tượng, có “bán hình tượng” thì người ta mới có cái mà thần tượng, ngưỡng mộ hay yêu thích. Để bán được thì phải chiều khách hàng, hay nói cách khác, biết chiều fan của họ một chút. Vậy nên nếu không chăm chút thì họ chẳng thể bán nổi cái hình tượng của mình.

Nói trực tiếp hơn về AKB48. Họ chủ yếu là những con người chỉ khá hơn bình thường một tẹo. Hay nói đúng hơn, không vào nhóm thì họ chỉ là những cô gái rất đỗi bình thường. Nhưng vì cái giấc mơ muốn được làm ca sĩ, diễn viên… hay chỉ đơn giản muốn mình nổi tiếng, đẹp đẽ hơn, họ đi làm Idol. Mình không dám vơ đũa cả nắm, nhưng theo mình thường thì Idol chỉ là bước đệm, cụ thể hơn là Idol nữ. Sau một thời gian làm Idol nếu kết quả tốt, vừa có kinh nghiệm, lại vừa có lượng fan, họ có thể tự tin hơn để có thể đi đến cái giấc mơ kia. Hay sau cùng tựu lại họ là những cô gái “đã bán đi cuộc sống bình thường cho giấc mộng đẹp.” Họ theo đuổi giấc mộng ấy, họ phải trả giá bằng sự tự do. Bản thân họ, mình nghĩ hẳn thừa nhận thức rằng bản thân không đủ khả năng để một mình bước đi làm nghệ sĩ. Nhưng dù sao thì những con người bình thường vẫn muốn được nhảy múa, được ca hát, có một giấc mơ và theo đuổi nó có phải là không nên?

Trong một lần xem show, khi thành viên AKB nói chuyện với một nữ sinh thông thường, nữ sinh ấy muốn được làm Idol, còn những người làm Idol kia lại muốn được sống bình thường. Vậy không phải làm Idol là thứ rất nhiều cô gái bình thường mơ ước hay sao?

Một vài ví dụ về Idol đi lên làm nghệ sĩ. Trong Sound Horizon có 2 người từng làm Idol là Yuuki và Kaori. Tất nhiên nhóm của họ đã tan rã. Nhưng khi nhìn vào khả năng hát từ khi họ tham gia Sound Horizon, ta có thể thấy một sự tiến bộ rõ rệt về chất giọng và cách sử dụng giọng. (Thử đơn giản là nghe live Roman và TTE3 của Sound Horizon sẽ thấy sự khác biệt). Hay như Kalafina. Keiko từng theo học ở các trường nhảy, hát, thử việc diễn kịch, thậm chí là thi thử vào Morning Musume, nhưng tất cả cô đều bỏ ngang vì không cảm thấy mình cần theo tiếp. Bỏ qua những sự kiện nhỏ nhặt, ngày mới làm việc với Kajiura Yuki, cô còn không đọc được nhạc phổ, nhưng chất giọng của cô đã có sẵn. Được hướng dẫn và sự nỗ lực của bản thân, Keiko có chất giọng trầm ít người có được. Ấy còn chưa nói là họ không phải thuộc dạng nổi danh gì cho cam.
Bản thân mình thấy Idol có khả năng đi lên làm nghệ sĩ không phải nhiều . Giả dụ 10000 người thi tuyển làm Idol, 50 người đỗ, và có lẽ chỉ 5-10 người có thể đi lên làm nghệ sĩ, chưa tính đến khả năng nổi thì còn khó khăn nữa. Khả năng của bản thân và điều kiện môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến họ có đứng riêng lẻ được hay không.

Đứng trên vị trí của một đứa dân thường, chẳng tài chẳng cán gì không nên lảm nhảm nhiều quá, nhưng dù sao con người cũng có ý kiến riêng của mình. Bản thân không thích cách người ra đánh giá làm Idol “mất tự do” rồi “không nên”. Mình làm được, chưa chắc người ta làm được. Giờ một người vốn đã đủ khả năng làm nghệ sĩ, rồi nói về Idol thế này thế kia thì với mình cũng chỉ là cái ý kiến của người đứng ngoài, chưa từng đặt bản thân vào vị thế người kia mà thôi.

Giờ mới thấy ông thầy Triết nói đúng. Con người giờ sắt đá, vô tình hơn trước nhiều. Nếu một sự kiện xảy ra, thì thay vì thử đặt vào tình huống của người đó mà thông cảm, bỏ qua một chút thì người ta thích ngồi “bày tỏ quan điểm và thái độ” rồi dẫn đến “nhận xét” hoặc “chỉ trích”. Cái này là quan điểm sống cá nhân của mình thôi. Mình thích nhìn con người rộng lượng, thông cảm một chút. Vì ít ra như thế thì mình cảm thấy dễ chịu hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét